
Vắc-xin TYPHIM Vi Syringe for Injection phòng bệnh thương hàn lần đầu ra mắt tại Nhật Bản
Ngày 30/6/2025, hãng dược phẩm Sanofi đã thông báo phát hành vắc-xin TYPHIM Vi Syringe for Injection phòng bệnh thương hàn. Đây là loại vắc-xin đầu tiên được cấp phép trong nước để phòng ngừa bệnh thương hàn, đã được phê duyệt sản xuất và kinh doanh vào tháng 6/2024. Vắc-xin này giúp phòng tránh bệnh thương hàn, một bệnh nguy hiểm vẫn ghi nhận tại Nhật Bản với khoảng 20–30 ca mỗi năm, chủ yếu là các ca bệnh đến từ những vùng có điều kiện vệ sinh kém như Nam Á và Đông Nam Á.
Bệnh sốt thương hàn là gì?
1. Bệnh sốt thương hàn (腸チフス) bệnh nhiễm trùng toàn thân cấp tính do vi khuẩn Salmonella Typhi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa khi ăn uống phải thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới biến chứng nặng và tử vong.
2. Triệu chứng
Các triệu chứng điển hình bao gồm: Sốt cao kéo dài, thường tăng dần từng ngày; Đau đầu, mệt mỏi, chán ăn; Đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón; Lưỡi bẩn, miệng khô; Gan và lách to; Đôi khi xuất hiện ban hồng trên bụng. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, hoặc nhiễm trùng huyết.
3. Xét nghiệm chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh sốt thương hàn, các xét nghiệm thường được chỉ định gồm:
Nuôi cấy máu: Xét nghiệm chính xác trong giai đoạn đầu bệnh; Nuôi cấy tủy xương: Độ nhạy cao, dùng khi cấy máu âm tính; Nuôi cấy phân, nước tiểu: Hữu ích nhưng độ nhạy thấp hơn; Xét nghiệm huyết thanh: Ít được khuyến cáo vì độ đặc hiệu kém.
4. Điều trị
Điều trị bệnh sốt thương hàn chủ yếu bằng kháng sinh đặc hiệu, trong đó có: Ceftriaxone, azithromycin, fluoroquinolone (như ciprofloxacin, nhưng cần lưu ý tình trạng kháng thuốc); Trường hợp nặng: Hỗ trợ dịch truyền, điều chỉnh rối loạn điện giải; Khi có biến chứng thủng ruột: Cần can thiệp ngoại khoa.
Hiện nay, một thách thức lớn là sự gia tăng của vi khuẩn thương hàn kháng đa thuốc, khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn.
5. Phòng ngừa
Tiêm vắc-xin phòng bệnh (Vắc-xin TYPHIM Vi Syringe for Injection mới được phát hành tại Nhật Bản) trước khi đi đến vùng lưu hành dịch; Ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh thực phẩm; Rửa tay thường xuyên.
Việc ra mắt vắc-xin TYPHIM Vi Syringe for Injection tại Nhật Bản là bước tiến quan trọng trong dự phòng bệnh sốt thương hàn, đặc biệt với những người dự định đi đến các vùng dịch. Nâng cao ý thức phòng bệnh và phát hiện, điều trị sớm là chìa khóa để giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lý này.
Ở Việt Nam, Vắc-xin có tên Typhoid Vi đã được sản xuất bởi Viện Pasteur Đà Lạt, phòng bệnh thương hàn cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn, chỉ định tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.