
NHIỄM VI KHUẨN E. COLI O157 - GHI NHẬN CA TỬ VONG TẠI YOKOHAMA
Ngày 18/7, chính quyền thành phố Yokohama thông báo một phụ nữ ngoài 70 tuổi sống tại quận Aoba đã tử vong do nhiễm khuẩn E. coli O157, một loại vi khuẩn nguy hiểm gây viêm đại tràng xuất huyết 腸管出血性大腸菌感染症. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do O157 trong nước kể từ năm 2022.
Về diễn biến ca bệnh như sau: Ngày 5/7: Bệnh nhân xuất hiện đau bụng; Ngày 7/7: Nhập viện tại cơ sở y tế trong thành phố; Ngày 9/7: Kết quả xét nghiệm xác nhận nhiễm E. coli O157; Ngày 16/7: Bệnh nhân tử vong. Hiện nguồn lây nhiễm chưa được xác định.
VI KHUẨN E. COLI O157 LÀ GÌ?
Đây là một chủng vi khuẩn E. coli có khả năng sinh độc tố cực mạnh gây ra bệnh viêm đại tràng xuất huyết với biểu hiện tiêu chảy ra máu, đau quặn bụng. Trong những trường hợp nặng, có thể dẫn đến hội chứng urê huyết tán huyết (HUS) gây suy thận cấp, co giật, rối loạn ý thức và tử vong.
CÓ BAO NHIÊU CA XẢY RA HẰNG NĂM TẠI NHẬT:
Trung bình mỗi năm có 10–30 vụ ngộ độc do E. coli O157 tại Nhật Bản. Số bệnh nhân dao động từ 100 đến 1.000 người/năm. Một số năm đã ghi nhận các trường hợp tử vong (Cụ thể: Năm 2016: 10 người; Năm 2017: 01 người; Năm 2022: 01 người; Năm 2023 - 2024: 0 người)
Vi khuẩn O157 có thể gây bệnh quanh năm. Đặc biệt cần cảnh giác vào mùa hè khi thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Cụ thể từ tháng 6 đến tháng 9 là giai đoạn phát sinh nhiều ca nhiễm nhất. Tuy nhiên, các ca bệnh cũng có thể xuất hiện vào mùa lạnh.
RUỒI CÓ TRUYỀN BỆNH KHÔNG?
Một số nghiên cứu đã phát hiện O157 trên ruồi nhà. Tuy nhiên, chưa có kết luận chính thức về việc ruồi có thể truyền vi khuẩn này sang người.
CÓ THỂ LÂY TỪ ĐỘNG VẬT KHÔNG?
Đã ghi nhận nhiều ca lây nhiễm từ động vật trong các sự kiện tiếp xúc như: Trải nghiệm vắt sữa bò; Tham quan sở thú, trang trại; Chơi với động vật như bò, cừu, thỏ…Vi khuẩn E. coli thường tồn tại trong phân động vật, có thể lây sang người nếu không rửa tay sạch.
VI KHUẨN E. COLI O157 THÔNG THƯỜNG LÂY QUA ĐƯỜNG NÀO?
Thịt sống hoặc chưa nấu chín kỹ (đặc biệt là thịt bò); Rau sống, nước uống không tiệt trùng, đá viên tự làm; Tiếp xúc với động vật hoặc môi trường chăn nuôi; Lây truyền qua tay bẩn, dụng cụ bếp, hoặc ăn uống tập thể không hợp vệ sinh.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT GỒM CÓ:
Tiêu chảy, có thể có lẫn máu; Đau bụng quặn, mệt mỏi; Có thể sốt nhẹ hoặc không sốt; Tiểu ít, da tái – dấu hiệu suy thận do biến chứng HUS.
BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ:
Hãy tuân thủ 6 bước phòng tránh ngộ độc thực phẩm tại nhà:
- Mua thực phẩm tươi sống, rõ nguồn gốc.
- Bảo quản lạnh, tách biệt thực phẩm sống và chín.
- Sơ chế sạch sẽ, rửa tay kỹ trước và sau khi chế biến.
- Nấu chín kỹ – đặc biệt thịt bò, trứng.
- Ăn uống hợp vệ sinh, tránh ăn đồ sống không rõ an toàn.
- Bảo quản thức ăn thừa đúng cách, hâm nóng kỹ khi dùng lại.
Bữa ăn không an toàn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của gia đình bạn, nhất là người già và trẻ nhỏ.