
Làm sao để phân biệt ba bệnh truyền nhiễm mùa hè phổ biến ở trẻ: Nhiễm khuẩn liên cầu & tay chân miệng & Herpangina?
Nhật đã vào hè và tiếp tục những ngày oi nồng. Nỗi lo lắng lớn nhất của ba mẹ là trẻ rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như nhiễm khuẩn liên cầu, bệnh tay chân miệng và Herpangina . Các bệnh này thường bùng phát trong môi trường tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo. Do có nhiều triệu chứng giống nhau nên không ít phụ huynh gặp khó khăn trong việc phân biệt, từ đó chậm trễ trong chăm sóc hoặc điều trị phù hợp. Bài viết dưới đây của HICO sẽ giúp anh chị và các bạn hiểu rõ đặc điểm, triệu chứng và cách nhận biết ba bệnh này.
1. Nhiễm khuẩn liên cầu (Streptococcus)
Nhiễm khuẩn liên cầu là một bệnh do vi khuẩn liên cầu tan huyết beta nhóm A gây ra. Đây là loại vi khuẩn có thể điều trị hiệu quả bằng kháng sinh, với triệu chứng thường cải thiện nhanh chóng sau 1–2 ngày dùng thuốc.
Triệu chứng điển hình bao gồm: đau họng, họng sưng đỏ, ho, sốt cao từ 38–39°C, nổi hạch cổ, phát ban dạng hồng ban nhỏ ở cổ, ngực, cổ tay, mắt cá và có thể lan toàn thân. Trẻ cũng có thể xuất hiện tình trạng bề mặt lưỡi nổi các nốt đỏ nhỏ như quả dâu tây.
Độ tuổi dễ mắc: Thường gặp ở trẻ từ 5–15 tuổi, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học.
Thời điểm lây lan mạnh: Từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm
2. Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhiều loại virus gây ra, thường thuộc nhóm enterovirus, trong đó phổ biến nhất là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71. Bệnh chủ yếu xảy ra vào mùa hè và dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng hoặc phân của người bệnh.
Triệu chứng đặc trưng là sự xuất hiện của các nốt phỏng nước nhỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng và đôi khi cả mông hoặc lưng. Các mụn nước trong miệng sau khi vỡ có thể gây loét và đau rát, khiến trẻ khó ăn. Sốt thường nhẹ, hiếm khi vượt quá 38°C và thường kéo dài 1–2 ngày.
Độ tuổi dễ mắc: Chủ yếu ở trẻ dưới 4 tuổi.
Thời điểm lây lan mạnh: Cao điểm vào tháng 7–8 hàng năm.
3. Herpangina (Viêm họng bọng nước mùa hè)
Herpangina là bệnh do virus Coxsackie nhóm A gây ra, cũng thuộc nhóm bệnh “cảm mùa hè”. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường bùng phát thành dịch nhỏ trong cộng đồng trẻ em vào mùa nóng.
Triệu chứng nổi bật là sốt cao từ 39–40°C, đau họng dữ dội và xuất hiện các nốt phỏng nước nhỏ ở vòm họng, sau đó có thể vỡ ra tạo thành vết loét đau rát. Khác với tay chân miệng, phát ban ở Herpangina thường chỉ xuất hiện trong miệng, không lan ra tay chân.
Độ tuổi dễ mắc: Trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, đặc biệt là trẻ 1 tuổi.
Thời điểm lây lan mạnh: Tập trung vào tháng 6–7 hàng năm
Cách phân biệt ba bệnh dễ nhầm lẫn trên:
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng như sốt, phát ban hoặc đau họng, mỗi bệnh lại có những đặc trưng riêng biệt giúp phụ huynh nhận diện:
- Về sốt:
- Nhiễm khuẩn liên cầu và Herpangina đều gây sốt cao (trên 38°C, có khi đến 40°C),
- Tay chân miệng thường chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt.
- Về phát ban:
- Tay chân miệng có mụn nước ở cả miệng, tay, chân và lưng.
- Herpangina chỉ có các nốt phỏng trong miệng, không lan ra ngoài.
- Nhiễm khuẩn liên cầu có hồng ban nhỏ ở cổ, ngực, tay chân, thường kèm ngứa và có "lưỡi dâu".
- Về vị trí tổn thương:
- Nếu chỉ có loét trong miệng kèm sốt cao: nghi Herpangina.
- Nếu có mụn nước cả ở tay chân và miệng: nghi tay chân miệng.
- Nếu trẻ than đau họng, sốt cao, phát ban và có "lưỡi dâu": có thể là nhiễm khuẩn liên cầu.
Nên đưa bé đi khám sớm:
Do triệu chứng có thể thay đổi theo từng trẻ và có lúc biểu hiện không rõ ràng, phụ huynh không nên tự chẩn đoán tại nhà. Việc chậm trễ trong xử trí có thể dẫn đến biến chứng không mong muốn như viêm cầu thận hoặc thấp tim (ở bệnh do liên cầu). Khi thấy trẻ có sốt, phát ban, đau miệng hay bỏ ăn, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám ngay.
Có cần giấy chứng nhận để được đến trường/nhà trẻ không?
Theo Luật Phòng chống Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, cả ba bệnh gồm nhiễm khuẩn liên cầu 溶連菌感染症, tay chân miệng 手足口病 và herpangina ヘルパンギーナđều thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm loại 5 五類感染症 – tức là những bệnh truyền nhiễm phổ biến, có nguy cơ lây lan nhưng không bắt buộc báo cáo ngay lập tức theo luật, mà việc quản lý chủ yếu do địa phương hoặc cơ sở giáo dục quy định.
Tuy không bắt buộc cách ly theo luật , nhưng vì ba bệnh này có khả năng lây lan nhanh trong môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ nên:
· Trẻ phải nghỉ học tạm thời cho đến khi không còn triệu chứng sốt, ăn uống lại bình thường, và không còn mụn nước hoặc tổn thương rỉ dịch.
· Việc có cần giấy chứng nhận từ bác sĩ để đi học lại hay không tùy theo quy định của từng trường hoặc địa phương.
Do đó, phụ huynh nên hỏi trực tiếp nhà trường hoặc cơ sở giữ trẻ để biết rõ yêu cầu cụ thể. Có nơi chỉ cần phụ huynh khai báo tình trạng sức khỏe, nhưng cũng có nơi yêu cầu phải xuất trình giấy xác nhận đã khỏi bệnh hoặc có thể đi học trở lại 登園許可証 hoặc 登校許可証 từ bác sĩ.