%20%20CHO%20B%E1%BB%86NH%20NH%C3%82N%20PARKINSON-300x158.png&w=3840&q=75)
HY VỌNG MỚI TỪ TẾ BÀO GỐC VẠN NĂNG NHÂN TẠO (iPS) CHO BỆNH NHÂN PARKINSON
(Theo NHK) Tuần trước, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Takahashi Jun thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tế bào iPS – Đại học Kyoto đứng đầu đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng của phương pháp điều trị mới dành cho bệnh nhân Parkinson: cấy ghép trực tiếp tế bào thần kinh tạo dopamine sản sinh từ tế bào gốc vạn năng nhân tạo iPS vào não người bệnh.
Parkinson là một căn bệnh nan y bắt nguồn từ sự thiếu hụt các tế bào sản xuất dopamine trong não, khiến người bệnh mất dần khả năng vận động, run tay chân, khó nói và hạn chế nghiêm trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù các phương pháp điều trị hiện tại có giúp kiểm soát phần nào triệu chứng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp chữa trị tận gốc căn bệnh này.
Trong thử nghiệm lâm sàng, 7 bệnh nhân độ tuổi từ 50 đến 69 đã được cấy vào não 5-10 triệu tế bào thần kinh tạo dopamine. Kết quả, trong số 6 người được nhóm nghiên cứu theo dõi liên tục trong 2 năm, tất cả đều cho thấy các tế bào cấy ghép đã tự sản xuất được dopamine.
Quan trọng hơn, 4 trong số 6 bệnh nhân đã cải thiện đáng kể khả năng vận động, trong đó có người cải thiện đến 32 điểm theo thang đo quốc tế về mức độ triệu chứng bệnh Parkinson. Một số bệnh nhân đã chuyển từ nhóm “nặng” sang “trung bình”, hoặc từ “trung bình” sang “nhẹ”. Những người đạt kết quả tốt thường là bệnh nhân còn trẻ tuổi và chỉ có triệu chứng nhẹ trước khi điều trị. Đây là tín hiệu mở ra hướng đi mới trong cá nhân hóa điều trị. Hơn cả một bước tiến khoa học, thành tựu nói trên còn là ánh sáng hy vọng với các bệnh nhân và gia đình.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện liệu trình dài hơn, tăng liều tế bào và hướng tới mục tiêu lớn hơn: bổ sung đủ lượng dopamine cho bệnh nhân Parkinson chỉ bằng phương pháp cấy ghép tế bào mà không cần dùng thuốc.
Chuyên gia đầu ngành Parkinson, giáo sư Hattori Nobutaka của Đại học Juntendo cũng nhận định: đây có thể là bước ngoặt trong điều trị, mở ra khả năng giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn thuốc, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Như vậy, Nhật Bản lại đặt thêm một cột mốc quan trọng trong hành trình hiện thực hóa y học tái sinh bằng tế bào iPS – công nghệ tiên tiến bậc nhất của nhân loại thế kỷ 21.