
3 ca tử vong vì vỡ ống dẫn trứng do thai ngoài tử cung – Cảnh báo từ Tổ chức điều tra và An toàn Y tế Nhật Bản
Theo tin tức đăng trên trang Medical-tribune.co.jp/new ngày 2/7/2025, Tổ chức Điều tra và An toàn Y tế Nhật Bản đã ra bản Báo cáo cảnh báo số 3 nhằm kêu gọi các cơ sở y tế nâng cao cảnh giác về nguy cơ tử vong do thai ngoài tử cung (異所性妊娠). Báo cáo ghi nhận ba trường hợp tử vong do vỡ ống dẫn trứng gây sốc mất máu – trong đó có hai ca sau thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và một ca mang thai tự nhiên. Cùng ngày, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã ban hành công văn khẩn yêu cầu các tổ chức liên quan phổ biến và thực thi các biện pháp phòng ngừa phù hợp.
1. Tổng quan về các ca tử vong:
Trường hợp 1: Thai IVF, ngoài 40 tuổi
- Bệnh cảnh ban đầu: Bệnh nhân được chuyển hai phôi (IVF), sau đó xuất hiện đau bụng và nôn mửa, được đưa vào cấp cứu.
- Thông tin từ bệnh nhân: Đã từng đi khám sản khoa và xác nhận có tim thai 8 tuần.
- Bác sĩ chẩn đoán là viêm dạ dày ruột do nhiễm trùng, điều trị triệu chứng, cho thuốc chống nôn, bù dịch và theo dõi.
- Diễn biến xấu: Ngày hôm sau bệnh nhân xuất hiện tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, chảy máu âm đạo. Vài giờ sau thì ngưng tim, Sau khi cấp cứu và bệnh nhân có nhịp tim trở lại thì đã chụp CT, nhận thấy xuất huyết trong ổ bụng, nghi do vỡ ống dẫn trứng nên can thiệp bằng phuẫ thuật nút động mạch tử cung nhưng bệnh nhân tử vong vài ngày sau đó.
- Nguyên nhân tử vong: Vỡ phần kẽ ống dẫn trứng gây sốc do xuất huyết.
Trường hợp 2: Thai tự nhiên, ngoài 30 tuổi
- Lần khám đầu: Ra máu âm đạo, thử thai dương tính, không thấy túi thai nên được chẩn đoán dọa sảy thai.
- Các lần tái khám: 4 ngày sau, áu ra nhiều hơn, siêu âm thấy hình ảnh nghi ngờ túi thai nhưng không chắc chắn. Vài ngày sau ra “cục máu” tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán sảy thai hoàn toàn.
- Biến cố: Vài ngày sau bệnh nhân tiếp tục đau bụng, thử thai vẫn dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán là hậu quả sau sảy sau khi siêu âm đầu dò và được cho về nhà theo dõi.
- Tử vong: Khoảng 1 tuần sau, bệnh nhân ngất tại nhà, đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
- Nguyên nhân tử vong: Vỡ ống dẫn trứng do thai ngoài tử cung, gây sốc mất máu.
2. Phân tích và nhận định:
a) Sai sót trong đánh giá lâm sàng:
Các trường hợp trên cho thấy một điểm chung nguy hiểm là:
Bác sĩ đã dựa quá nhiều vào thông tin từ bệnh nhân (về kết quả khám thai, siêu âm trước đó...) mà loại trừ khả năng thai ngoài tử cung. Điều này dẫn đến chẩn đoán sai, không nghi ngờ tình trạng cấp tính nguy hiểm, khiến việc xử trí bị chậm trễ.
b) Đặc điểm nguy cơ trong điều trị hiếm muộn/vô sinh:
- Trong báo cáo, cơ quan chuyên môn nhấn mạnh: Tỷ lệ thai ngoài tử cung cao hơn ở những người làm hỗ trợ sinh sản IVF, đặc biệt là trường hợp song thai một trong tử cung, một ngoài tử cung (正所異所同時妊娠). Vì vậy, ngay cả khi đã xác nhận có thai trong tử cung, vẫn không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ có thai ngoài tử cung đồng thời.
3. Kiến nghị và các biện pháp phòng ngừa:
(1) Đối với cơ sở y tế ban đầu (không chuyên khoa sản)
- Khi khám cấp cứu cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có triệu chứng đau bụng, cần: Luôn xem xét khả năng thai ngoài tử cung, kể cả khi có xác nhận tim thai hay chẩn đoán dọa sảy; Tiến hành siêu âm bụng, kiểm tra phản ứng thử thai nhanh (hCG); Chuyển ngay đến chuyên khoa sản nếu nghi ngờ.
(2) Đối với bác sĩ sản phụ khoa:
- Siêu âm ngã âm đạo để xác định chính xác vị trí túi thai.
- Xét nghiệm định lượng hCG máu.
- Nếu cần thiết, sử dụng CT hoặc MRI để hỗ trợ chẩn đoán.
(3) Hướng dẫn bệnh nhân khi cho về theo dõi tại nhà:
- Nếu quyết định theo dõi ngoại trú, cần hướng dẫn rõ: Nếu vẫn đau bụng, có biểu hiện bất thường, phải tái khám ngay lập tức; Cần cung cấp thông tin rõ ràng để bệnh nhân không chủ quan với các dấu hiệu nguy hiểm.
Ba ca tử vong gần đây do thai ngoài tử cung từ vỡ ống dẫn trứng là lời cảnh báo nghiêm trọng đối với hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ hỗ trợ sinh sản ngày càng gia tăng. Cần phổ biến sâu rộng trong toàn ngành y thông điệp sau: Không loại trừ thai ngoài tử cung chỉ vì đã thấy tim thai hoặc đã chẩn đoán dọa sảy thai.
Việc chẩn đoán sớm, xử trí kịp thời và truyền đạt rõ ràng cho bệnh nhân chính là chìa khóa để ngăn chặn các bi kịch tương tự trong tương lai.